Trước những nghi ngờ về khả năng và hiệu suất của cỗ máy nhanh nhất thế giới "made in China", trang công nghệ CNet đã phỏng vấn Jack Dongarra, vị giáo sư lỗi lạc tại Đại học Tennessee (Mỹ).
Giáo sư Dongarra hiện công tác tại Khoa khoa học máy tính và là thành viên trong dự án về supercomputer giữa Đại học Tennessee, Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge và Viện công nghệ Georgia. Oak Ridge chính là nơi đặt "cựu vương" Cray Jaguar XT5 với tốc độ 1,75 petaflop (1,75 triệu tỷ phép tính mỗi giây). Ngoài ra, Đại học Tennessee còn sở hữu phiên bản Cray XT5 mang tên Kraken, xếp thứ 3 trong Top 500 Supercomputer năm 2009.
Siêu máy tính Tianhe-1a. Ảnh: Nvidia. |
Cuối tháng 10, Trung Quốc tuyên bố siêu máy tính Tianhe-1a của họ vô địch thế giới với tốc độ 2,507 petaflop, cao hơn 1,4 lần so với Cray Jaguar. Thậm chí, Li Nan, Giám đốc dự án Tianhe-1, còn khẳng định trên kênh truyền hình CCTV rằng "Trung Quốc có thể thay thế Mỹ nắm giữ các kỷ lục thế giới".
- Ở Oak Ridge có thứ gì tương tự hệ thống hybrid của Trung Quốc?
- Jack Dongarra: Oak Ridge cũng có một phiên bản hybrid thuộc quản lý của Đại học Tennessee, Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge và Viện công nghệ Georgia. Nhưng nó nhỏ hơn rất nhiều so với hệ thống của Trung Quốc. Hệ thống này gồm 120 giao điểm (node), mỗi giao điểm chứa 2 chip Intel Westmere và 3 bo mạch Nvidia Fermi.
- Điều gì khiến siêu máy tính của Trung Quốc nhanh đến vậy?
- Trung Quốc đã thiết kế phương thức kết nối riêng dựa trên các chip, 1 bộ định tuyến (router) và 1 bộ chuyển mạch (switch) do chính họ sản xuất.
Trung Quốc có mạng kết nối riêng cho siêu máy tính Tianhe-1a. Ảnh: AFP. |
- Đó chính là công thức bí mật của họ à?
- Tương tự Cray, ngoài việc lắp ghép và phần mềm còn cần có mạng liên kết để hệ thống hoạt động. Trung Quốc có phương thức liên kết rất nhanh khiến cỗ máy của họ hoạt động rất ấn tượng. Dù dự án này dựa trên các bộ vi xử lý của Mỹ, họ vẫn sử dụng cách kết nối riêng. Đây là điều rất thú vị.
- Liệu Trung Quốc có xứng đáng dẫn đầu Top 500?
- Có. Tôi đã thấy cỗ máy đó. Tôi đã thấy nó hoạt động. Điều đó là sự thật.
- Vì sao Oak Ridge không làm được những gì Trung Quốc đang làm?
- Oak Ridge không có khả năng hay công nghệ để phát triển một mạng kết nối và một router như thế. Chúng tôi không sản xuất máy tính. Chúng tôi mua máy tính và sử dụng chúng. Tham gia thiết kế máy tính không nhằm trong phạm vi hay nhiệm vụ của chúng tôi.
- Vậy lời khuyên của ông là gì?
- Bạn nên nhớ bạn không chỉ đầu tư phần cứng. Nó giống như một chiếc xe đua. Để nó chạy, bạn cần cả người lái. Bạn phải sử dụng hệ thống hiệu quả. Chúng ta đầu tư với nhiều cấp độ khác nhau trong cùng một "hệ sinh thái" siêu máy tính. Hệ sinh thái này được cấu thành từ phần cứng, hệ điều hành, trình biên dịch, ứng dụng và thư viện số... Và bạn phải đầu tư cho phần mềm mới có thể khai thác hiệu quả phần cứng. Đó là điều đôi khi ta quên bẵng đi nên đã không đầu tư đúng mực. Ta tập trung quá nhiều cho phần cứng nhưng lại không chú trọng đến các phần khác. Hệ sinh thái trở nên mất cân bằng vì phần cứng thường phát triển nhanh hơn tốc độ chúng ta phát triển phần mềm.
- Ai sẽ làm điều đó?
- Các nghiên cứu đang được thực hiện dưới sự bảo trợ và giám sát của Bộ năng lượng, Quỹ Khoa học quốc gia và Bộ quốc phòng.
- Vậy đây là "báo động đỏ" đối với Mỹ?
- Đúng vậy, đây là một lời cảnh tỉnh. Chúng ta cần nhận thức rằng các nước khác đều có khả năng làm điều này. Chúng ta đang mất dần lợi thế.
Lê Nguyên - VnExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét