(Dân trí) - Sự phổ biến của điện thoại iPhone tại Nhật Bản đang mở ra một tương lai sáng lạn cho các nhà phát triển ứng dụng trên khắp thế giới, vốn từ lâu vẫn khó có thể tiếp cận được thị trường khó tính này.
Trong suốt nhiều năm, chiếc điện thoại di động điển hình của người Nhật được xây dựng để hoạt động trên một mạng và rất khó sử dụng ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Chúng được “nhồi nhét” những trò chơi "kỳ dị" và những ứng dụng chỉ để phục vụ cho thị hiếu của người dân nước này, vốn nổi tiếng khó tính.
Điều đó giải thích cho việc tại sao ngành công nghiệp điện thoại di động của Nhật Bản có biệt danh là “Galapagos” - nhằm ví với những con vật kỳ lạ sinh sống trên quần đảo Galapagos, nằm cô độc, tách biệt khỏi Nam Mỹ, và tại sao những chiếc điện thoại di động mà người Nhật dùng được gọi là “galakei” - kết hợp từ “keitai” (trong tiếng Nhật nghĩa là điện thoại di động) với từ Galapagos.
Các nhà phát triển ứng dụng cho điện thoại di động nước ngoài đã không thể tiếp cận Nhật Bản bởi tính cá biệt và "đóng khung" của thị trường này. Nhưng điều đó đã thay đổi khi iPhone, với hàng chục ngàn ứng dụng được tạo ra dành riêng cho nó, đang thống thị doanh số bán ra của smartphone tại Nhật Bản.
Ở khắp mọi nơi, mọi lúc, trên các chuyến tàu, trong các quán cà phê, mọi người đều chăm chăm vào màn hình chiếc iPhone của họ. Đây là điều rất hiếm khi xảy ra tại Nhật Bản với những công nghệ không phải thuộc loại “cây nhà lá vườn”.
Azusa Furushima, một sinh viên đại học 22 tuổi sở hữu một chiếc iPhone với vỏ bảo vệ Hello Kitty lấp lánh cho biết cô có khoảng 35 ứng dụng, bao gồm những ứng dụng dành cho ăn kiêng và tập đánh máy.
Các nhà phát triển ứng dụng cho điện thoại iPhone của Mỹ và những nước khác hiện đã để mắt đến thị trường đầy tiềm năng này. Và người dùng Nhật Bản, nhờ vào văn hóa “galakei”, từ lâu đã có các dịch vụ tính phí nhỏ như “i-mode” được dùng để chi trả cho các ứng dụng của họ.
“Người Nhật được giáo dục tốt. Họ sẽ trả tiền cho các ứng dụng”, Brian Lee, một nhà quản lý tại công ty Penpower (Đài Loan) chuyên bán một ứng dụng số hóa card visit cho biết. “Rất nhiều nhà phát triển ứng dụng đang bước vào thị trường này".
Các nhà phát triển Nhật Bản, từng mắc kẹt trong văn hóa “galakei” cũng đang chuyển mình thay đổi nhằm giành lấy một phần béo bở trong “miếng bánh” ứng dụng cho iPhone toàn cầu. Theo Apple, iPhone hiện dẫn đầu với 3 tỷ lượt tải ứng dụng toàn cầu chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng. Apple được hưởng 30% doanh số bán các ứng dụng, phần còn lại "vào túi” các nhà phát triển.
Apple không tiết lộ số lượng iPhone được bán ra tại Nhật Bản. Nhưng thị trường này chiếm một phần quan trọng trong tổng số 70 triệu chiếc iPhone được bán ra trên khắp thế giới cho đến nay. Đặc biệt, trong quý tài chính mới nhất, Apple đã tiêu thụ được 14,1 triệu chiếc, một con số kỷ lục.
Điện thoại thông minh (smartphone) mà doanh số hầu hết các mẫu iPhone đều đứng đầu bảng xếp hạng, làm tăng 16% doanh số bán ra điện thoại di động Nhật Bản với 35 triệu máy một năm, theo Gfk Marketing Services Japan.
Nhà phát triển Phần Lan Rovio Mobile, “cha đẻ” của game nổi tiếng Angry Birds với 27 triệu lượt tải về toàn cầu trong một năm, đã trình làng một phiên bản tiếng Nhật của game này cách đây một tháng.
Angry Birds hiện đang giữ vị trí số 1 trong các game dành cho điện thoại iPhone tại Mỹ và 70 quốc gia khác. Trò chơi này đang được kỳ vọng sẽ nhảy từ vị trí số 6 lên số 1 trong một ngày sớm nhất tại Nhật Bản.
Erin Gleason, phát ngôn viên của Foursquare, một ứng dụng di động của Mỹ khá phổ biến cho biết dịch vụ này đã có hơn 4 triệu người dùng trên khắp thế giới và sẽ sớm “đáp” xuống Nhật Bản. Tuy nhiên, bà Erin khẳng định kế hoạch chi tiết sẽ không được tiết lộ cho đến đầu năm 2011.
“Chúng tôi sẽ tập trung vào việc mở rộng ra thị trường quốc tế trong vài quý tới và chúng tôi cảm thấy Nhật Bản là một thị trường quan trọng đối với chúng tôi”, bà Erin nói.
Doanh số ngày càng tăng của “binh đoàn” smartphone sử dụng hệ điều hành Android được kỳ vọng sẽ mở rộng các ứng dụng doanh nghiệp hơn nữa, không chỉ từ Softbank Corp, chuyên cung cấp ứng dụng cho iPhone mà còn từ những đối thủ khủng lồ như NTT DoCoMo và KDDI Corp.
Sharp, hãng sản xuất điện tử Nhật Bản thậm chí còn tung ra thị trường những thiết bị di động Android mang tên Galapagos.
Hawken King, một người Anh 32 tuổi, đã thành lập một liên doanh nhỏ tại Tokyo có tên là Dadako. Liên doanh này chuyên bán các sản phẩm của Hawken King cho 20.000 người dùng iPhone trên khắp thế giới. Một nửa khách hàng của King là người Mỹ và một phần ba là người Nhật.
Ứng dụng "Facemakr" có giá 35 yên của Hawken King cho phép mọi người tạo ra các avatar hoặc chân dung khuôn mặt trên bảng điều khiển cảm ứng của iPhone, chọn hình ảnh của mũi, mắt và kiểu tóc một cách dễ dàng và thuận tiện. Giá bán của ứng dụng này tại Mỹ là 2,99 USD.
Các nhà phát triển như King cho biết sự thành công của điện thoại iPhone đã tạo ra sân chơi này. Các ứng dụng cho iPhone cũng trở nên ngày càng đa dạng, phong phú hơn.
Mark Hiratsuka, giám đốc của Snapp Media, một nhà quảng bá ứng dụng di động độc lập khẳng định “Ngay bây giờ, chỉ những nhà phát triển thông minh nhất mới nhận thấy tiềm năng ở đây”.
Võ Hiền
Theo AP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét