Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Đánh giá LG Optimus G: màn hình đẹp, cảm ứng nhạy, máy chạy nhanh, pin tốt Thảo luận trong 'TIN TỨC - GIỚI THIỆU ANDROID' bắt đầu bởi Duy Luân, 23/10/12 at 15:48.

500px copy.jpg

Optimus G mình hiện là một trong vài chiếc điện thoai Android mạnh mẽ nhất hiện nay. Cám ơn bộ vi xử lý Snapdragon S4 pro từ Qualcomm và công nghệ cảm ứng nhúng vào phần hiển thị của màn hình mà LG dùng trên chiếc này. Optimus G nhận được nhiều sự chú ý bởi vì nó là smartphone đầu tiên trên thế giới sử dụng vi xử lí Qualcomm Snapdragon S4 Pro bốn nhân, một thế hệ SoC với vi xử lí bốn nhân mới hứa hẹn hiệu năng vượt trội so với các đối thủ hiện nay, đồng thời có mức độ tiết kiệm pin tốt. Mình đã có cơ hội dùng thử Optimus G phiên bản dành cho nhà mạng U+ của Hàn Quốc (về cơ bản nó không khác gì nhiều so với phiên bản quốc tế) và thiết bị này đã mang lại những trải nghiệm rất tốt, cả về thiết kế, khả năng hoạt động lẫn thời lượng dùng pin. Sau đây là bài đánh giá về chiếc điện thoại này.

Thiết kế và phần cứng


_TMH3125.jpg

LG Optimus G có màn hình kích thước 4,7" nên đây là một chiếc máy khá to, tuy nhiên khi cầm trên tay thì nó rất gọn gàng và dễ dùng chứ không gây khó chịu như một số smartphone màn hình lớn khác. Nhìn tổng quan thì máy mang vẻ sang trọng và quý phái chứ không thời trang, trẻ trung như chiếc Optimus 4X HD. Bốn góc máy được bo tròn nhẹ, giống với xu hướng thiết kế trên những thiết bị mà LG mới ra mắt trong năm nay. Chất lượng hoàn thiện của máy rất tốt, mặc dù chỉ là vỏ nhựa nhưng Optimus G cho chúng ta cảm giác cầm chắc chắn và đầm tay chứ không hề có chút cảm giác ọp ẹp nào cả. Máy mỏng 8,45mm, con số không phải là số một hiện nay nhưng vẫn vượt qua rất nhiều đối thủ trên thị trường và có vẻ hấp dẫn của riêng mình. Optimus G có trọng lượng 145g, nặng hơn tầm 10 gram so với một số điện thoại bốn nhân khác và bạn sẽ cảm thấy hơi mỏi tay một chút nếu dùng máy trong thời gian dài.

[IMG]

Phiên bản Optimus G mình đang dùng có màu trắng, tuy nhiên phần cạnh màn hình là màu đen tuyền (không phải trắng như trên 4X HD). Dọc rìa màn hình có một viền màu kim loại rất mảnh nên làm cho mặt trước nổi bật hơn. Đặc biệt, mình rất thích nhìn mặt trước khi màn hình đang tắt bởi nó tạo thành một mặt phẳng đen đồng nhất từ trên xuống dưới. Ở phía trên chúng ta có loa thoại được đặt lõm vào khá nhiều và có dạng hình thang ngược, ngay bên dưới đó là logo LG. Tại đây chúng ta cũng có thể tìm thấy máy ảnh trước độ phân giải 1,3 megapixel và một đèn LED báo hiệu cho Notification và khi sạc.

[IMG]

Ở phần bên dưới mặt trước có ba phím cảm ứng mang chức năng cơ bản của Android: Back, Home và Menu. Giống với 4X HD, LG cho phép chúng ta chỉnh thời gian cho đèn nền của ba phím này sáng trong chỉ vài giây hoặc sáng mãi, miễn là bạn còn mở màn hình. Một điểm cải tiến lớn nữa của Optimus G đó là khoảng cách từ cạnh dưới màn hình đến các phím chức năng đã rộng hơn, do đó không còn hiện tượng gõ nhầm từ phím spacebar trên bàn phím ảo xuống nút Home như ở chiếc 4X HD.

[IMG]

Cạnh trái là nơi LG bố trí nút tăng giảm âm lượng (nút này có phần giữa lồi lên, còn tính năng của nó mình sẽ nói sau) và khe SIM. Bạn phải dùng một cái cây nhỏ đi kèm theo thiết bị chọc vào lỗ SIM để lấy khay này ra. Lỗ này có kích thước rất bé, bé hơn nhiều so với trên iPhone, iPad nên nếu bạn để quên cây lấy SIM thì phải rất vất vả mới tìm thấy được một thứ đủ nhỏ để đẩy khay ra. Có một điểm nữa cũng phải nói đến đó là Optimus G sử dụng chuẩn microSIM, giống với iPhone 4/4S, HTC One X hay Samsung Galaxy S III.

[IMG]

Sang đến cạnh phải thì đơn giản hơn với chỉ một nút nguồn/mở khóa máy. Cũng ở các cạnh bên chúng ta có thể thấy được một viền bạc mà LG trang trí cho Optimus G. Tuy nhiên, viền này chỉ là viền đơn và ôm sát vào bề mặt của vỏ chứ phải là loại kép, và cũng không nổi lên như trên Optimus 4X HD.

[IMG]

Cạnh dưới của Optimus G là nơi đặt khe microUSB. Vì lớp vỏ khá dày nên cổng này hơi thụt vào bên trong một chút và cho cảm giác đẹp hơn là một vài thiết bị để lộ cổng microUSB ra ngoài. Tất nhiên là nó không ảnh hưởng gì đến việc cắm cáp cả. Ở hai bên cổng là hai con ốc vít hình sao 6 cạnh cùng micro thoại. Lúc mới cầm máy lên mình đã khá ngạc nhiên vì hiện không thường thấy chiếc điện thoại nào đặt ốc vít ra hẳn bên ngoài như thế này, và cá nhân mình cảm thấy nó không đẹp vì làm cạnh dưới trở nên quá rối.

[IMG]

Lên đến cạnh trên thì bạn sẽ tìm thấy một chiếc micro nữa hỗ trợ cho tính năng khử nhiễu cùng với jack 3,5mm dành cho tai nghe. Có một điểm khác biệt ở chiếc máy của mình sử dụng so với bản quốc tế, đó là nó được trang bị ăng-ten để thu sóng TV DMB (có thể kéo dài, thu ngắn), đáng tiếc là chúng ta không dùng được tính năng này ở Việt Nam. Mình thấy "công dụng" hay nhất của nó là khi gọi điện thì kéo ra, bạn sẽ thấy có rất nhiều người nhìn vào và tưởng mình đang dùng chiếc điện thoại của vài chục năm về trước, mặt dù nó không hỗ trợ gì cho việc thu nhận sóng cả.

[IMG]

Mặt sau lưng là một điểm đặc biệt trên Optimus G. Có thể xem mặt này có hai phần, một phần là lớp vỏ nhựa được bo nhẹ từ cạnh trên xuống, phần còn lại là lớp hoa văn bóng được làm hơi lõm. Phần bo này giúp việc cầm máy của chúng ta được êm ái hơn và không bị cấn, hằn lên tay sau một thời gian dài cầm thiết bị. Mảng hoa văn có các hoạt tiết được cắt theo kiểu kim cương và có một lớp phủ bóng loáng bên trên. Nó bóng hơn nhiều so với lớp vỏ nhựa trắng và có thể xem nó như một tấm gương vậy. Có lẽ chính vì thế mà LG gọi lớp hoàn thiện này là "Crystal Reflection". Thành phần này rất ít bám vân tay (ít nhất là trên phiên bản màu trắng của mình) nên mình rất hài lòng vì là một người thường hay bị đổ nhiều mồ hôi tay.

[IMG]

Ngoài ra, LG còn bố trí thêm cụm camera chính độ phân giải 13 megapixel cùng với đèn flash LED trợ sáng. Ở bên dưới có loa ngoài đặt dọc cùng logo LG. Vì chiếc Optimus G của mình được sản xuất cho nhà mạng U+ của Hàn Quốc nên có xuất hiện thêm một cái logo nữa của công ty này, khiến mặt sau máy trở nên rối rắm. Bản quốc tế sẽ không có biểu tượng nhà mạng nên có lẽ nhìn sẽ đẹp hơn.

Màn hình, chất lượng hiển thị

LG trang bị cho Optimus G màn hình True HD-IPS+. Như cái tên của nó, màn hình cho "độ phân giải HD thực" vì sử dụng kiểu sắp xếp subpixel RGB, do đó mỗi subpixel đều có kích thước bằng nhau chứ không phải cái to cái nhỏ như Pentile và kết quả là máy không có hiện tượng rỗ như một vài sản phẩm đối thủ. Mật độ điểm ảnh của màn hình này là 318ppi, một con số đủ cao để hình ảnh mượt mà, chữ hiển thị sắc nét và nếu nhìn ở khoảng cách bình thường (và ngay cả khi nhìn sát vào máy nữa) thì chúng ta sẽ không thấy các điểm ảnh trên màn hình.

[IMG]

Cũng cần phải nói thêm rằng độ phân giải mà Optimus G sử dụng là 768 x 1280, tức là có tỉ lệ 5:3 chứ không phải là 16:9 như độ phân giải 720 x 1280 thường thấy trên các smartphone ra mắt gần đây. Tỉ lệ này khiến màn hình của Optimus G lùn và mập hơn so với những màn hình bình thường khác, mà cụ thể là chiếc Optimus 4X HD. Cá nhân mình thích điều này vì mình có thêm không gian (48 pixel) để hiển thị một số nội dung nữa khi cầm máy ở chiều dọc, nhất là khi duyệt web.

[IMG]
Màn hình của Optimus G rộng hơn và lùn hơn 4X HD

Về chất lượng hiển thị, đây là một màn hình có chất lượng cao, hình ảnh rõ ràng, sáng, trong trẻo, màu sắc tươi tắn và tái hiện được màu đen tốt. LG là một trong những công ty đi đầu về màn hình cho thiết bị di động. Trước đây họ từng có Optimus Black với công nghệ màn hình NOVA cho độ sáng 700 nit, kế đó là LG Optimus Nitro HD là một trong các smartphone đầu tiên có màn hình HD, Optimus 4X HD với True HD-IPS và bây giờ Optimus G là True HD-IPS+. Tấm nền IPS+ đảm bảo màu sắc tốt, góc nhìn rất rộng. Công nghệ chế tạo màn hình in-cell "ZeroGap Touch" được LG mang lên Optimus G giúp kết hợp lớp cảm ứng điện dung với lớp LCD, nhờ vậy mà màn hình này trở nên mỏng hơn, nội dung hiển trị trở nên nổi và gần hơn với người dùng. Một lợi điểm khác của ZeroGap Touch đó là nó giảm độ phản chiếu đi rất nhiều, và kết hợp với độ sáng cực đại ở mức 470 nit, mình hoàn toàn có thể dùng Optimus G dưới trời nắng gắt mà không gặp bất kì khó khăn nào.

Màn hình của Optimus G bị ám xanh dương. Lấy ví dụ như màu nền và thanh tác vụ của ứng dụng Facebook cho Android chẳng hạn. Lúc mới dùng mình đã rất ngạc nhiên vì màu xanh này nó rất đậm, khác nhiều so với những máy Android khác. Nếu bạn mở một ảnh nền trắng hoàn toàn thì sẽ dễ dàng nhận ra hiện tượng này. Mặc dù vậy, nó không gây ảnh hưởng gì nhiều đến quá trình sử dụng, chủ yếu là vấn đề ý thích cá nhân vì màn hình nào smartphone nào cũng bị ám màu, không ít thì nhiều, có người thì thích ám vàng, nhưng cũng có người sẽ thích màu xanh như của Optimus G.

Cũng nhờ dùng công nghệ cảm ứng mới mà các bạn sẽ thấy sự mượt mà và rất nhạy của chiếc Optimus G này. So với rất nhiều chiếc máy Android khác mà mình từng dùng qua thì độ nhạy và mượt của màn hình cảm ứng trên Optimus G là tuyệt vời.

Camera

LG trang bị cho Optimus G máy ảnh có độ phân giải 13 megapixel do Sony sản xuất, một con số có thể xem là cao so với mặt bằng chung trên thị trường smartphone hiện nay vốn đang bị chiếm lĩnh bởi camera 8 megapixel. Chất lượng ảnh chụp ở mức tốt nếu bạn chụp ở điều kiện đủ sáng. Hình ảnh cho ra sắc nét, màu sắc khá trung thực, nước ảnh mượt mà và độ phơi sáng tốt, không bị quá tối hay quá sáng. Tuy nhiên, nếu chụp trong điều kiện thiếu sáng, như ngoài đường phố lúc ban đêm chẳng hạn, thì hình ảnh khá tệ, bị hạt rất nhiều và khả năng lấy nét bị giảm xuống đáng kể. Mặc dù độ mở của ống kính là f/2.4 nhưng việc chụp trong tối không được như mình mong đợi cho một sản phẩm cao cấp như thế này. Bạn có thể xem thử vài ảnh mẫu mà mình để trong Galleria bên dưới hoặc xem ảnh kích cỡ đầy đủ (13MP) tại đây.



Về khả năng điều khiển lúc chụp, giao diện trên app Camera mặc định của Optimus G đơn giản nhưng rất dễ sử dụng. Toàn bộ các thanh công cụ ở cạnh trái của màn hình app này hoàn toàn có thể tùy biến được theo ý muốn của bạn, mang lại sự thuận tiện tối đa cho người sử dụng. Mình thật sự rất đánh giá cao khả năng này. Giống với LG Optimus 4X HD, tính năng chụp ảnh panorama, Time machine (máy sẽ tự ghi lại một loạt nhiều ảnh ngay cả trước khi bạn nhấn nút chụp rồi chọn ra ảnh tốt nhất), chụp HDR đều hoạt động tốt và đúng y như mong đợi. Nếu muốn bạn cũng có thể chạm vào màn hình để khóa nét đúng vào điểm đó cũng như khóa thông số phơi sáng. Tuy nhiên, chỉ một ít lâu (5 giây) sau là máy lại tự chuyển sang chế độ auto focus theo sự phán đoán của thiết bị.

Với app máy ảnh trên Optimus G có một tính năng mà mình thấy thú vị: kích hoạt màn trập bằng giọng nói. Khi đã kích hoạt khả năng này, bạn có thể nói một trong các từ sau để ra lệnh cho thiết bị tự chụp: Cheese, LG, Smile, Whisky. Tuy nhiên, trong tất cả những từ này mình chỉ có thể dùng từ Cheese một cách trơn tru, tất cả những chữ khác phải cố gắng hét to hoặc kéo thật dài thì máy mới nhận diện được giọng nói của chúng ta.

Một điểm hay khác mà mình không ngờ tới đó là Optimus G có thể chụp bằng nút volume! Tính năng này mình cũng tình cờ phát hiện ra trong quá trình sử dụng mà thôi. Bạn có thể nhấn phím tăng, phím giảm hoặc thậm chí là phần lồi ở giữa hai phím cũng được. Như vậy, Optimus G thật ra vẫn có phím camera vật lý, và việc tích hợp nó với phím volume khiến cho thao tác nhấn trở nên dễ dàng hơn nhiều vì rất thuận tay.

Hình ảnh giao diện app Camera trên Optimus G


Khả năng quay video của Optimus G tốt. Hình ảnh cho ra đẹp, màu sắc tốt với tốc độ khung hình là 30fps nên hình ảnh rất trơn tru. Máy có thể lấy nét liên tục ngay trong lúc quay và tốc độ auto focus rất ấn tượng, độ trễ chỉ ít hơn 1 giây mà thôi. Ngoài ra bạn cũng có thể chụp hình trong lúc quay bằng một phím nhấn riêng nằm ngay bên trên nút Record.

Video quay thử trong nhà

Video quay ngoài trời

Hiệu năng

Optimus G là chiếc smartphone đầu tiên được trang bị vi xử lí Qualcomm Snapdragon S4 Pro với mã hiệu APQ8064, bao gồm bốn nhân xử lí và hoạt động ở xung nhịp 1,5GHz. RAM đi kèm theo máy có dung lượng 2GB và tính đến thời điểm viết bài này, Optimus G là một trong số ít các smartphone có mức RAM như thế này, cao gấp đôi so với RAM 1GB của các smartphone tầm cao khác. Đi kèm theo đó còn có GPU Adreno 320 hứa hẹn mang lại sức mạnh xử lí vượt trội so với các dòng Adrena đi trước. Và với một cấu hình mạnh như thế, cùng với sự tối ưu hóa phần mềm tốt của LG như trên các máy Optimus 2012 khác, máy hoạt động cực kì trơn tru và mượt mà. Ít khi nào bạn thấy máy bị đứng hoặc có độ trễ, kể cả khi mở tắt ứng dụng, duyệt giữa các màn hình chính với nhau, cuộn trang nội dung, thao tác cảm ứng đa điểm… Nhìn chung mình rất hài lòng với những gì Optimus G mang lại và LG đã tiếp tục ghi điểm với mình sau chiếc 4X HD.

Trong quá trình sử dụng Optimus G có hai lỗi mà mình thấy rõ. Thứ nhất, khi có cuộc gọi đến, đôi khi mình nói lần "alo" lần đầu thì đầu dây bên kia không nghe, phải nói thêm lần nữa mới được. Lỗi này diễn ra nhiều lần và trong nhiều ngày nên mình không nghĩ nó là lỗi của nhà mạng. Không biết có phải do chiếc mình cầm ở đây là bản Hàn Quốc nên chưa tương thích tốt với mạng di động ở nước ta hay không. Vấn đề thứ hai đó là khi tắt Wifi đi thì đôi khi 3G không tự động mở lại, ngay cả việc tắt mở thủ công cũng không được nên mình phải khởi động lại máy. Lỗi thứ hai này thì ít diễn ra nên cũng không gây trở ngại gì nhiều.

Khi benchmark, Optimus G có điểm số khá khác biệt và trồi sụt so với một số smartphone cao cấp hiện nay như Galaxy Note II, Galaxy S III, One X. Ví dụ như điểm Antutu 3DRating, khi chạy ở chế độ 3D thì Optimus G đạt 6242 điểm, cao hơn hẳn so với con số khoảng 3000-4000 của các máy còn lại. Tuy nhiên, khi chuyển sang chế độ Off-3D thì điểm của G chỉ còn 305 điểm, thấp hơn nhiều so với mức 1000-2000 của những máy kia. Khi đo bằng Linkpack, G áp đảo các đối thủ của mình với điểm cho single thread là 197255, mutil thread là 250619, cao gần gấp đôi so với những máy còn lại. Lúc đó bằng Nenamark2 thì G đạt điểm cao nhất với số khung hình/giây là 58.5fps. Benchmark Sunspider bằng trình duyệt (càng thấp càng tốt) thì máy chỉ hơn được One X, thua Note II, S III. Bạn có thể xem chi tiết điểm ở hình bên dưới (nhấn vào để phóng to).

Screen Shot 2012-10-23 at 5.29.03 PM.png

Ghi chú: Điểm SunSpider càng thấp càng tốt

Pin

Thường thì các thiết bị sử dụng chip Snapdragon S4 có thời lượng dùng pin rất tốt, và xu hướng này vẫn duy trì trên Optimus G và dư sức đáp ứng các nhu cầu hằng ngày. LG cho biết pin của máy có dung lượng 2100mAh, có khả năng đạt 80% lượng điện tích sau 800 lần sạc, cao hơn so với con số 400-500 trên các smartphone khác. Tuy nhiên, viên pin này không tháo rời được.

Khi sử dụng bình thường, độ sáng màn hình 65%, mở 3G liên tục, nhận và cuộc gọi, trả lời khoảng 10 tin nhắn, lướt web 3G khoảng 10 phút, lướt web Wifi khoảng 30 phút, nghe nhạc chừng 30 phút bằng loa ngoài, để push ba hộp thư và facebook liên tục, máy có thể trụ được hơn 1 ngày. Khi sử dụng nặng một chút, sử dụng wifi trong 3 tiếng, mở 3G liên tục, nhạc mở trong 1 tiếng loa ngoài, các chức năng khác giống mô tả ở trên thì máy chạy được 16 giờ 13 phút và còn 8% pin. Đây là một thời lượng pin rất tốt so với một cấu hình mạnh mẽ như Optimus G, và bạn hoàn toàn có thể dùng nó từ sáng đến tối mà không phải lo lắng gì.

Ngoài ra, LG còn tích hợp sẵn nhiều tính năng tiết kiệm điện cho máy. Thứ nhất là Power Saver, nó sẽ tự động tắt đi một số kết nối không cần thiết khi pin xuống đến một mức nào đó. Tính năng thứ hai là Quad Core Control (LG có chú thích thêm là Eco Mode), một tính năng mà mình chỉ mới thấy lần đầu trên Optimus G. Tính năng này sẽ kéo dài thời gian dùng pin bằng cách tối ưu hóa mức độ sử dụng của vi xử lí, còn nếu tắt nó đi thì máy sẽ ưu tiên cho hiệu năng sử dụng hơn. Bạn cũng có tắt bật nhanh Eco Mode thông qua menu Quick Settings trong Notification.



Phần mềm

Optimus G được cài đặt sẵn Android 4.0 Ice Cream Sandwich, và mình hơi thất vọng một chút vì một chiếc smartphone cao cấp nhất của LG tính đến thời điểm hiện này mà chưa có Android 4.1 Jelly Bean, trong khi Samsung đã làm rất tốt việc này với chiếc Galaxy Note II của họ. Tất nhiên rồi máy cũng sẽ lên được Android 4.1 mà thôi, và độ mượt mà của thiết bị cũng đã rất gần với Android 4.1 nên cũng "an ủi" phần nào. Bên trên hệ điều hành này là bộ giao diện và ứng dụng Optimus UI 3.0. Phần này không khác nhiều so với chiếc Optimus 4X HD và bạn có thể xem chi tiết ở đây. Mình chủ yểu chỉ nói đến những tính năng mới hoặc nổi bật mà thôi. Trên máy mình cũng có nhiều app cho thị trường Hàn Quốc và phần lớn đều không dùng được. Mặc dù vậy nó cũng không làm mình khó chịu gì cả.

1. QSlide

1.jpeg

Đây là một điểm mới được LG bổ sung cho Optimus UI trên chiếc Optimus G. Tính năng chính của nó là cho phép bạn vừa xem video mà vừa có thể thực hiện những tác vụ khác. Về mặt ý tưởng thì QSlide khá giống với Pop-Up Play của Samsung TouchWiz trên Galaxy S III hay Galaxy Note II, tuy nhiên ở LG thì video không hiện trong một cửa sổ riêng biệt mà được gắn cố định ở phần trên của màn hình. Bạn không thể di chuyển hay đổi kích thước của video, và cũng không thể kiếm soát nó trực tiếp khi đang dùng QSlide. Bạn chỉ được phép chỉnh độ trong suốt của đoạn video này mà thôi.

2. QMemo

Đây là một phần mềm có tính năng chính là tạo ghi chú nhanh. Khi đang ở bất kì phần mềm nào, bạn có thể nhấn vào phần lồi giữa hai phím âm lượng để kích hoạt nhanh QMemo. Tại đây bạn có thể tạo một lớp ghi chú lên trên những gì đang xuất hiện ở màn hình hoặc viết ghi chú trên một nền trống. Ngoài ra, bạn cũng có thể khởi chạy QMemo thông qua QuickSettings của thanh Notification nữa. Tính năng này đã có mặt trên Optimus 4X HD.

3. Quiet Time

Screenshot_2012-10-22-20-07-32.jpeg

Nếu bạn từng dùng qua iOS 6 thì Quiet Time giống với Do Not Disturb trên hệ điều hành này. Khi bật tính năng này, bạn có thể thiết lập rằng trong một khoảng thời gian nào đó, ví dụ như từ 11h đêm đến 6h sáng, máy sẽ không phát âm khi có thông báo mới, bất kể thông báo đó là thuộc ứng dụng nào. Tuy nhiên, máy vẫn giữ cho đồng hồ báo thức hoặc nhạc được chơi như bình thường. Bạn có thể đặt giờ, ngày và cho phép rung hay không.

4. Aspect Ratio Correction

Vì tỉ lệ màn hình 5:3 cũng còn khá mới trên smartphone Android, LG cung cấp một mục tên là Aspect Ratio Correction. Các ứng dụng không được tối ưu hóa để tương thích với tất cả các tỉ lệ màn hình có thể bị viền đen ở dọc hai cạnh trái phải, và khi chạy Aspect Ratio Correction thì máy sẽ giúp khắc phục vấn đề này. Trong tất cả các phần mềm mình hay dùng thì chưa thấy app nào bị tình trạng biến dạng nên cũng chưa có cơ hội thử nghiệm hiệu quả của Aspect Ratio Correction.

5. Video Editor và Video Wiz

Screenshot_2012-10-22-21-57-29.jpeg

Phần mềm đầu tiên là trình biên tập phim mà LG cài sẵn cho chúng ta. So với app làm phim mặc định trên Android 4.0 thì app của LG hay hơn với nhiều tùy chọn hiệu ứng chuyển cảnh, việc cắt ngắn hoặc kéo dài thời gian cho từng đối tượng trong clip dễ dàng hơn, giao diện cũng trực quan hơn và gần giống với các trình biên tập video trên máy tính. LG còn đính kèm sẵn một loạt hiệu ứng âm thanh như tiếng vỗ tay, tiếng chụp của camera, tiếng nhấn chuông để bạn thiết kế video của mình thêm sinh động. Trong khi đó, Video Wiz thì chú trọng đến việc tạo ra các video vui nhộn từ hình ảnh hoặc clip có sẵn. Bạn có thể chèn thêm một số sticker hình, thêm chữ, áp dụng hiệu ứng lóe sáng. Nói chung cả hai đều là những app đơn giản nhưng sẽ giúp ích bạn rất nhiều trong việc cá nhân hóa đoạn phim của mình trước khi chia sẻ nó với mọi người.

Ảnh chụp màn hình Optimus G và một số tính năng nổi bật
QMemo QMemo QMemo QMemo Bật tắt đèn nèn của ba phím chức năng cảm ứng Quad Core Control trong menu Settings Video Editor Ứng dụng Video Wiz Ứng dụng Video Wiz Ứng dụng Video Wiz


Kết luận

Optimus G là một chiếc máy tốt, cả phần cứng lẫn phần mềm. Sở hữu một cấu hình thuộc loại cao cấp hiện nay, thiết bị này có thể dễ dàng đáp ứng nhanh chóng tất cả các tác vụ thường ngày mà chúng ta thường làm trên một chiếc smartphone. Thời lượng pin tốt cũng là một điểm mạnh của Optimus G so với nhiều smartphone cao cấp khác trên thị trường. Máy vẫn có một số nhược điểm như màn hình tái hiệu màu xanh quá đậm, khả năng chụp ảnh trong tối kém và trọng lượng còn hơi nặng. Nếu bạn muốn mua một chiếc máy với tất cả những công nghệ mới nhất nhưng vẫn sở hữu thân hình hấp dẫn, Optimus G sẽ là một lựa chọn tốt cho bạn.

Điểm mạnh:
  • Thiết kế tổng thể sang trọng, đẹp mắt
  • Máy mỏng
  • Màn hình đẹp, màu sắc tươi tắn
  • Hệ thống chạy nhanh, mượt mà và ổn định
  • Nhiều ứng dụng tích hợp sẵn rất thú vị
Điểm yếu:
  • Camera chụp thiếu sáng chưa tốt
  • Máy còn hơi nặng
  • Màn hình bị ám xanh, tái hiện màu xanh quá đà
true HD nhìn đẹp dã man!
Xài LG sao không thể nào vào được Bootloader :(
Con này hội tụ đủ cả 3 yếu tố : NGON - BỔ - RẺ :)


P/S: Thêm 1 cái nữa là: THIẾT KẾ ĐẸP >.<
Với android mình rất có cảm tình và mong ước sỡ hữu một "em" LG, chất như quả đất, không cầu kỳ nhưng đầu hiệu năng.
Đẹp thật! Em này của LG đỉnh quá!
Cấu hình thật khủng.
"Optimus G có trọng lượng 145g, nặng hơn tầm 10 gram so với một số điện thoại bốn nhân khác và bạn sẽ cảm thấy hơi mỏi tay một chút nếu dùng máy trong thời gian dài."

Phục Bác @ duyluan vì cảm nhận sức nặng 10 gram thật tốt. :D
Con này chạy chip nhanh nhất hiện nay. Màn LG thì đẹp thôi rồi
bao tien nhi ?
Khủng long quá nhưng mong em Nexus của LG hơn!
mình nhớ lại kp500 của mình quá. 1 thời ngồi làm theme android cho nó
Lg:ngon + bổ + rẻ
địch đến của mình là đây, đợi 29/10 xem LG nexus thế nào, nếu không ổn thì cứ G thẳng tiến thôi:X
Sức mình có hạn, dù em đẹp, mạnh mẽ cỡ nào cũng chẳng dám tơ tưởng! Đi với em là xẹp ví
Đúng là bị ám xanh thiệt , ghét samsung cũng vì điều này .
nhìn phê thiệt tiếc là ko có lúa
Siêu phẩm của lòng em là đây, hi
Thiết kế đẹp, cấu hình mạnh mẽ, giá cả hợp lý.
Đẹp quá...Optimus G và LG Nexus có thể ví von như Kiều và Vân vậy :D
Không có tiền sài... hic
:mad:

Source : feedproxy[dot]google[dot]com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean