Đó là ý kiến của đại diện các mạng di động về vấn đề giảm cước trong buổi tọa đàm "10 năm phổ cập dịch vụ viễn thông tại VN và bài học kinh nghiệm" tại Hà Nội sáng 27/10.
Điện thoại di động lên vùng cao, Hà Giang. Ảnh: BĐVN. |
Phó giám đốc Công ty MobiFone - Nguyễn Đình Chiến cho rằng cước di động có thể giảm nữa hay không rất khó có câu trả lời chính xác vào lúc này. Bởi cước của MobiFone đang ở mức tiệm cận giá thành, doanh thu trên mỗi đầu thuê bao cũng ngày một giảm. "Tôi cho rằng từng doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc để cân đối mức giá hợp lý. Nhưng theo tôi giảm tiếp và giảm mạnh là khó trong bối cảnh hiện nay", ông Chiến nói.
Đồng tình với quan điểm này, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel - Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng: Để nói chính xác rằng khi nào giảm giá là rất khó vì điều này phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp sẽ quản lý chi phí thế nào, quy mô doanh nghiệp ra sao và cả yếu tố công nghệ nữa.
Ông Hùng cho biết, hiện nay chi phí đầu tư cho mạng 3G rẻ hơn 2G, trong khi số lượng người dùng mạng 3G mới chiếm khoảng 5%. Do đó, tới đây, doanh nghiệp có thể cân nhắc giảm giá các cuộc gọi 3G.
Một lãnh đạo khác của Viettel cũng nhấn mạnh: "Trong bối cảnh vàng, đôla tăng giá như hiện nay, việc giảm giá cước là không thể. Chúng tôi giữ giá cũng là một cách giảm cước rồi".
Đại diện Vietnamobile - Phó giám đốc Nguyễn Đình Hùng trình bày cái khó của một mạng di động mới tham gia thị trường di động, nhất là hãng đã qua một đợt chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang GSM.
Theo ông, trước đây, các doanh nghiệp mới tham gia thị trường đều sử dụng chiêu giảm cước như một yếu tố quan trọng số một để cạnh tranh, thu hút khách hàng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp mới không phải là các đơn vị tiên phong giảm giá mà chiến tranh giá cước lại được các ông lớn khơi mào. "Doanh nghiệp nhỏ không thể cạnh tranh về giá được. Chúng tôi không có ý định giảm giá vì mức cước của chúng tôi đưa ra hiện nay đã gần sát giá thành rồi", ông Hùng cho biết thêm.
Buổi tọa đàm về "10 năm phổ cập dịch vụ viễn thông tại VN và bài học kinh nghiệm" có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, các chuyên gia kinh tế như Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, lãnh đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông của Việt Nam và hơn 40 cơ quan báo chí. Năm 2000, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 58 với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực Viễn thông - CNTT từ đó tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chỉ thị 58 đã đặt ra mục tiêu Việt Nam phải có chất lượng và giá cước dịch vụ tương đương hoặc thấp hơn các nước trong khu vực. Tại thời điểm năm 2000, thị trường viễn thông Việt Nam gần như chưa có cạnh tranh bởi VNPT vẫn là doanh nghiệp chiếm thị phần hấu hết các dịch vụ viễn thông. Thời điểm đó, dịch vụ viễn thông của Việt Nam vẫn đang có mức cao. Cụ thể ở thời điểm đó điện thoại di động chia 3 vùng cước với mức cước nội vùng là 3.500 đồng một phút, liên vùng là 6.000 đồng phút; cách vùng là 8.000 đồng một phút. Đầu năm 2000, tổng số thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam mới chỉ ở mức 0,3 triệu. Và toàn quốc chỉ có 3,5 triệu thuê bao điện thoại. Thế nhưng, sau 10 năm, VN đã có 156,1 triệu thuê bao điện thoại, trong đó di động chiếm 90,32%; mật độ đạt 180,7 máy trên 100 dân. |
Hồng Anh - VnExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét