Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Tan giấc mộng mạng di động ảo

Đến thời điểm này, khả năng tham gia thị trường của các mạng di động ảo đã gần như không còn nữa. Các doanh nghiệp xin giấy phép mạng di động ảo đã “án binh bất động” và giấy phép này có thể sắp bị thu hồi hàng loạt.

>> Khuyến khích viễn thông, điện lực, cấp thoát nước dùng chung hạ tầng
>> Doanh nghiệp viễn thông, Internet phải chặn hoạt động đánh bạc qua mạng
>> Dịch vụ di động, Internet, cố định sẽ phải “cõng” phí thương quyền
>> 4 doanh nghiệp viễn thông, Internet Pháp “thăm dò” thị trường Việt Nam
>> “Miếng bánh” viễn thông Việt quá “rắn” với nhà đầu tư nước ngoài?

Khi cạnh tranh trên thị trường di động đã rất cao, các doanh nghiệp có giấy phép thiết lập mạng di động ảo đã không còn cơ hội tham gia.

Khi cạnh tranh trên thị trường di động đã rất cao, các doanh nghiệp có giấy phép thiết lập mạng di động ảo đã không còn cơ hội tham gia.

Mạng ảo với giấc mơ ảo đã được cảnh báo

Ngày 19/8/2009, Bộ TT&TT đã chính thức trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động ảo cho Công ty Đông Dương Telecom. Mạng di động này sẽ sử dụng hạ tầng của Viettel để cung cấp dịch vụ di động cho khách hàng theo mô hình mạng di động ảo đầu tiên của Việt Nam. Đông Dương Telecom không được cấp tần số mà được chia sẻ hạ tầng vô tuyến 3G với Viettel và được roaming với các mạng GSM (2G và 2,5G) khác. Đây là mô hình mạng di động dùng chung tài nguyên tần số đầu tiên được phép triển khai tại Việt Nam theo hình thức bán lại dịch vụ. Và chỉ một thời gian ngắn sau đó Bộ TT&TT đã tiếp tục nhận được đề án xin cấp phép dịch vụ của VTC, FPT.

Ngay tại thời điểm 3 doanh nghiệp xin cấp phép mạng di động ảo, thì Báo Bưu điện Việt Nam đã có một số bài viết phân tích rằng các doanh nghiệp này đang thực hiện chiến lược “lách mình qua khe cửa hẹp”, thực sự quá khó để cho các doanh nghiệp này bước chân vào thị trường di động Việt Nam. Thời điểm đó, Báo Bưu điện Việt Nam đưa ra thông tin, hiện doanh thu bình quân trên thuê bao (APRU) của các mạng di động đạt khoảng 5 USD, nhưng rất có thể APRU sẽ giảm xuống còn 3 USD trong thời gian tới. Trong khi mô hình mạng di động ảo chỉ thành công ở những thị trường có APRU cao như châu Âu, thì những thị trường có APRU thấp sẽ rất khó cho mạng di động ảo “ký sinh” thành công.

Những nhận định về tương lai cho các giấy phép mạng di động ảo đã không lạc quan ngay từ thời điểm được cấp phép. Và phép màu nhiệm nào đó đã không xảy ra để cho các doanh nghiệp có giấy phép mạng di động ảo có thể nhập cuộc đua di động.

Các giấy phép đồng loạt “án binh bất động”

Sau khi cấp phép cho Đông Dương Telecom, ngày 22/6/2010, Bộ TT&TT đã tổ chức lễ cấp phép mạng di động ảo cho VTC. Theo giấy phép, VTC sẽ cung cấp dịch vụ thông tin di động trên hạ tầng 3G của EVN Telecom và roaming với các mạng 2G trong nước. Thời điểm đó, VTC Digicom (công ty con của VTC) cho biết, VTC sẽ cung cấp dịch vụ thông tin di động trên hạ tầng 3G của EVN Telecom. Ngoài EVN Telecom, VTC sẽ nghiên cứu các phương án roaming với các mạng di động khác để mở rộng vùng phủ sóng cung cấp dịch vụ cho khách hàng – những nơi mà mạng 3G của EVN Telecom chưa vươn đến được. Ngay tại buổi cấp phép, VTC dự kiến sẽ chính thức cung cấp dịch vụ thông tin di động ảo vào cuối năm 2010 trên phạm vi toàn quốc với đầu số 11 số. Cũng tại thời điểm đó, ông Nguyễn Hoàng Phong, Giám đốc VTC Digicom tỏ ra đầy tin tưởng vào khả năng sẽ ra được mạng di động ảo của VTC.

Thế nhưng “mối lương duyên” của EVN Telecom và VTC Digicom “nửa chừng đứt gánh”. Mạng thật EVN Telecom đã phải “sang tên đổi chủ” cho Viettel. Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường đã khiến cho VTC không còn quyết tâm thực hiện. Trong cuộc họp với các doanh nghiệp viễn thông và Bộ TT&TT vừa được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Hoàng Phong đã phải thừa nhận độ hấp dẫn trong đầu tư làm viễn thông rất thấp. Thị trường viễn thông đang cạnh tranh quá mức. Việc cạnh tranh này khiến VTC không có nhu cầu đầu tư vào đó nữa bởi nó không đem lại lợi nhuận.

Tương tự như VTC, FPT không hề có động tĩnh gì cho thấy họ sẵn sàng gia nhập thị trường di động ảo. Trả lời Báo Bưu điện Việt Nam gần đây, ông Trương Đình Anh, nguyên Tổng Giám đốc FPT cho rằng, thị trường di động Việt Nam hiện đã bị “tràn đầy”. 3 nhà cung cấp hàng đầu là Viettel, MobiFone và VinaPhone đã chiếm tới 95% thị phần. Trong khi đó các mạng di động nhỏ cũng đang “bốc hơi”. “Tôi nghĩ ở Việt Nam với mức cước và tình hình thị trường thế này rất khó cạnh tranh. Chúng tôi không nhìn thấy có cơ hội để vào thị trường này”, ông Trương Đình Anh nói.

Nếu so với các doanh nghiệp khác, Đông Dương Telecom có vẻ đầy quyết tâm để gia nhập thị trường này sau một vài lần “lỗi hẹn”. Một lãnh đạo của Đông Dương Telecom tiết lộ, mạng này sẽ chính thức cung cấp dịch vụ vào khoảng giữa năm 2011. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại Đông Dương Telecom chưa có bất cứ động thái nào chứng tỏ họ sắp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo. Nhiều ý kiến cho rằng, gần như Đông Dương Telecom sẽ phải cân nhắc việc có tham gia thị trường này nữa hay không trong khi thị trường di động đang cạnh tranh quá gay gắt đến mức mà mạng có hạ tầng còn khó trụ hạng chứ đừng nói đến mạng di động ảo. Điều đó có nghĩa là Đông Dương Telecom gần như chắc chắn sẽ không thể nhập cuộc với giấy phép mạng di động ảo.

Những khó khăn của thị trường đã đẩy các doanh nghiệp đã được cấp phép mạng di động ảo vào tình thế đành phải chia tay với giấc mộng tham gia thị trường di động. Như vậy, giấc mộng mạng di động ảo giờ đây chỉ còn là giấc mơ xa vời mà thôi.

Bộ TT&TT ra tối hậu thư cho các DN được cấp phép mạng ảo

Trong điều kiện khó khăn trong đầu tư vào viễn thông di động hiện nay, nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp ôm hàng loạt giấy phép nhưng “án binh bất động”. Theo Luật Viễn thông, nếu doanh nghiệp được cấp giấy phép, nhưng không triển khai trên thực tế nội dung quy định trong giấy phép viễn thông được cấp sau thời hạn 2 năm, kể từ ngày được cấp giấy phép, sẽ bị thu hồi. Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép muốn xin cấp phép lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như trường hợp xin phép mới với lý do tương tự. Mới đây, trong buổi làm việc với Cục Viễn thông, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã yêu cầu Cục rà soát lại những doanh nghiệp được cấp phép cung cấp các dịch vụ viễn thông, nhưng quá thời hạn quy định mà chưa cung cấp dịch vụ. Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, Bộ TT&TT sẽ kiên quyết thu hồi những giấy phép này theo đúng luật.

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi các doanh nghiệp được cấp phép cung cấp mạng di động ảo yêu cầu các doanh nghiệp này phải báo cáo tiến độ triển khai. Năm ngoái, Bộ TT&TT đã có thông báo thu hồi giấy phép này của các doanh nghiệp, thế nhưng các doanh nghiệp cũng đã có văn bản giải trình sở dĩ chưa cung cấp dịch vụ được vì đang có một số trục trặc và họ cam kết sẽ cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm này các doanh nghiệp vẫn chưa triển khai nên Bộ TT&TT đã ra tối hậu thư rằng nếu doanh nghiệp không triển khai giấy phép mạng di động ảo thì sẽ thu hồi giấy phép.

Theo ICTnews


Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Girls Generation - Korean